Giỏ hàng

Tết Hàn Thực và những món ngon không thể bỏ lỡ

    Tết Hàn Thực là gì?

    Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm. Theo chữ Hán, Hàn là lạnh, thực là ăn, do đó có thể hiểu Tết Hàn thực là tết ăn đồ lạnh. Và gắn với ngày tết đặc biệt này, bánh trôi, bánh chay đã trở thành thức ăn đặc trưng không thể thiếu.

    Ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực?

    Đây là một ngày lễ có nguồn gốc từ một số tỉnh của Trung Quốc, đông đảo cộng đồng gốc hoa trên thế giới và miền Bắc Việt Nam. Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ giới Tử Thôi. Cũng từ đó, ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được gọi là ngày tết Hàn Thực.

    Dù bắt nguồn từ Trung Quốc song khi vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã hợp nhất với tết bánh trôi, bánh chay, tết tháng 3 của người Việt. Ý nghĩa ngày này cũng mang đậm đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng và mơ ước rất riêng của người Việt.

    Khác với tết Hàn Thực ở Trung Quốc – thường không đốt lửa trong 3 ngày, chỉ ăn đồ lạnh và nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa mà dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ. Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thứ nhất, nó thể hiện cho văn hóa lúa nước bởi cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà tổ tiên. Hơn nữa, bánh màu trắng, tròn đầy, còn thể hiện khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn trong cuộc sống.

 

Tết Hàn Thực được hiểu đơn giản là Tết ăn đồ lạnh

 

    Các món ngon không thể bỏ lỡ ngày tết Hàn Thực

    Bánh trôi, bánh chay là 2 thức xếp đầu danh sách những món ăn không thể bỏ lỡ trong dịp đặc biệt này.

    Bánh trôi

    Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên già. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, với những miếng đường đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

    Bánh trôi được người làm viên thành những viên tròn nhỏ, vừa miệng kèm một viên đường phên cắt nhỏ vuông thành, sắc cạnh làm nhân. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, "ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh" thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm thơm.

 

Bánh trôi là thức đặc trưng ngày Tết Hàn Thực

 

    Bánh chay

    Cũng làm từ chất liệu bột như bánh trôi nhưng kích thước của viên bánh chay thường to hơn với nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu chín trộn với đường và dừa nạo sợi. Muốn có viên bánh chay ngon, người ta thường chọn giống đỗ tiêu hạt nhỏ, thơm để làm nhân.

    Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Tùy nơi, người ta có thể rắc thêm chút vừng, hoặc dừa hay đỗ xanh lên mặt bánh.

    Bánh quả nhót

    Ngoài bánh trôi, bánh chay, một số tỉnh thành miền Bắc còn làm bánh quả nhót nhân tết Hàn thực. Cũng được làm từ bột nếp nhưng bánh nhót không có nhân. Tùy từng nơi mà sau khi luộc chín, bánh sẽ được xào qua với mật hoặc dính thêm vài hạt lạc bên ngoài bánh.

    Bánh xuân thái (hay còn gọi là bánh cuốn thịt)

    Ngoài ra, từ xa xưa, còn xuất hiện thêm một loại bánh được ăn trong tết hàn thực là bánh xuân thái (gọi nôm na là bánh cuốn thịt với rau xanh).

 

Bánh cuốn thịt cũng là món ăn được ưa chuộng ngày Tết Hàn Thực

 

    Tuy nguyên liệu làm bánh đơn giản nhưng người tráng bánh và cuốn bánh phải thật khéo, đảm bảo quấn thành hình trụ thon dài, tròn đẹp đẹp mắt và không bị rách mới đủ tiêu chuẩn đem lên mâm cúng gia tiên.

BTV: Thúy Hường


Cũ hơn Mới hơn


Facebook Youtube Google+ Pinterest Zalo Top
chat zalo
Chat Zalo
chat facebook
Chat Facebook
CHAT